“Thương nhau múc bát chè xanh/ Làm tô mỳ Quảng mời anh xơi cùng”. Với người Quảng, mỗi khi khách đến chơi nhà, mời nhau bát nước chè xanh – thức uống tuy giản dị nhưng đó là sự chân tình, mộc mạc và giàu lòng mến khách. Từ lâu, chè xanh là một phần hiện hữu “mặc định” trong đời sống của người dân xứ Quảng, trở thành phần hồn của từng gia đình.
Cây chè mọc nhiều ở vùng trung du và đồi núi. Nước chè xanh, tưởng đơn giản nhưng để có bát nước chè ngon, phải biết chọn chè và chế biến. Tìm những cây chè mọc nơi thoáng nắng và gió (cây trong đất rập thì vị nhạt, không ngon). Chọn cả cành lẫn lá chè xanh tươi, không quá non mà cũng không quá già. Vì lá non bị nhớt, mà lá già thì chát, lại không thơm.
Chè rửa thật sạch, dùng tay vò hoặc vặn nắm chè rồi đun hay hãm tùy sở thích. Nếu đun sôi thì nên dùng ấm đất. Nước thật sôi, cho chè vào đến khi sôi lại thì bắc ra khỏi bếp. Nếu hãm thì dùng ấm đất hoặc ấm sứ. Cho chè đã sơ chế vào ấm. Rót nước sôi vào ngập hết chè. Tráng qua một lần rồi rót bỏ nước nhất. Sau đó mới cho nước sôi vào hãm và giữ ấm. Nước chè màu xanh trong, hơi ngả vàng, là “đạt chuẩn”.
Ở quê, nhiều người thích đập dập một ít củ gừng hãm cùng chè. Cầu kỳ thêm một tí, có thể thêm vào bát chè một ít mật ong. Như vậy nước sẽ thêm thơm và đậm đà. Và, vì là thức uống dân dã nên nước chè xanh chỉ ngon khi uống bằng gáo dừa hoặc bát sứ.
Bên bếp lửa vui, bên mâm cơm chiều, bên bát chè xanh ấm nồng là lúc gia đình quây quần trong những câu chuyện rôm rả, bất tận. Ở thôn quê, hầu như nhà nào cũng sẵn ấm chè xanh nóng để uống và tiếp khách. Nên bát nước chè còn biểu hiện lòng hiếu khách, là tình làng nghĩa xóm chân thành, mộc mạc mà ấm áp.
Riêng tôi, mỗi khi uống nước chè là mỗi lần nhớ câu đố của ông ngoại thuở nào: “Cây xanh xanh/ Lá xanh xanh/ Đem vô nấu canh/ Cữ cái húp nước”.
Món “canh” ấy giờ không chỉ là hương vị riêng của thôn quê mà đã ra đến nơi phố thị. Nó mang hồn quê ra thị thành. Nếu ở phương Tây, người ta thích uống cà phê, thì chè xanh mãi là thức uống thơm ngon, bổ dưỡng mang phong vị đặc trưng của bản sắc Việt, tâm hồn Việt.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.